Ở vùng núi quê tôi, mọi người dân đi dép tông là chủ yếu. Ngày ngày, người lớn lên nương, lên rẫy cuốc đất, trồng cây, hái củi, trẻ em đến trường học chữ, vui chơi đều với đôi dép xỏ ngón mộc mạc, giản dị và quen thuộc ấy.
Từ hồi còn bé xíu, bố mẹ đã sắm cho hai chị em tôi mỗi đứa một đôi. Tông lào thường không có cỡ nhỏ, và chỉ có hai màu vàng nâu và xanh nước biển. Chị em tôi đều thích màu vàng, nhưng mẹ mua cho hai đứa hai màu khác nhau, kẻo lẫn lộn.
Lúc mới tập tành đi tông lào, hai chị em tôi cứ lạch bà lạch bạch y như những chú vịt con. Một phần vì dép to gần gấp đôi bàn chân, một phần vì chúng tôi vốn chỉ quen đi chân đất, chuyển sang đi dép cứ vướng víu, đi không vững.
Hồi ấy, có được đôi dép tông lào là quý lắm. Hầu hết mọi người đều đi dép xốp, dép nhựa. Đặc biệt, người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở quê tôi nghèo lắm, suốt đời phải đi chân đất, vấp đá, vấp sỏi nhiều đến nổi chai sạn hết cả bàn chân. Ngày nào, họ cũng lên rẫy làm nương, hoặc xuống phố buôn bán kiếm đôi đồng tiền lẻ. Trong tâm trí tôi, dường như đã in đậm hình ảnh từng đoàn người “chân trần” gánh củi, gánh chổi đót đi bán mỗi buổi sớm mai… Nhìn các em bé nhỏ tuổi hơn mình ngày nào cũng đi chân đất tới trường, quần áo rách bươm, lúc ấy tôi chỉ ước: “Giá mà có thật nhiều dép tông lào cho tất cả mọi người nhỉ?”.
Quê tôi nằm ở vùng sát biên giới Việt Lào, đồi núi xanh xanh, đất ba dan thắm đỏ. Mùa nắng gió phơn bỏng rát, đá sỏi như biến thành hòn than nóng dưới chân người. Mùa mưa, các con đường đất đỏ trở nên lầy lội, nhão nhoét. Dép tông lào chỉ hợp với mùa nắng. Mùa mưa thì rất khó đi bởi dép sẽ làm bắn bùn lên hết cả quần áo và đường đất rất trơn. Nhiều khi dép dính chặt xuống mặt đường, nhấc mãi không lên.
Về khoản đi dép tông, tôi phải phục bố tôi sát đất. Có lẽ vì suốt cuộc đời ông gắn bó với loại dép ấy nên thành ra quen. Đi đâu, dù trời mưa hay trời nắng, dù đường khô ráo hay bùn lầy, bố tôi vẫn có thể thản nhiên sải bước. Chẳng như tôi, cứ hễ trời mưa là xách dép, nhảy lên lưng để bố cõng về.
Ở quê tôi, dép tông không chỉ dùng để đi, mà còn có thể tận dụng để chế tạo ra nhiều thứ khác. Đến lúc nào dép cũ quá, không sử dụng được nữa, bố tôi xếp chúng vào một cái thùng giấy. Khi cần thì đem ra cắt gọt thành những miếng cao su nhỏ, xâu sợi thép vào để làm vật cố định mái tôn, buộc cái kèo hay cái cột gì đấy. Bố còn dùng dép để làm phao câu cá. Mỗi khi đi câu, nhìn chiếc phao nhỏ bé quen thuộc bập bềnh trên mặt nước, lòng tôi bỗng thấy nhẹ nhàng vui.
Dạo đó, tông lào còn quý, mỗi lần về thăm quê, bố mẹ tôi đều mua loại dép này để làm quà biếu họ hàng. Thế là mọi người đi dép tông lúc đi làm, đi ăn tiệc, hội họp và cả đám cưới nữa. Bởi đối với họ, nó không chỉ đẹp, bền mà mang đi đâu cũng rất tiện. Nhưng giờ thì người đi tông lào ngày càng ít, bởi nó quá giản dị, mộc mạc và quê mùa so với các kiểu dáng hiện thời.
Hôm nay ra đường, tôi chợt đứng khựng lại khi nhìn thấy một bà cụ lưng còng, chân đi đôi dép tông lào màu vàng sậm, dò dẫm đi trong gió heo may…
Dương Phương